Trong quá trình chế hóa sản xuất nước, sau khi lắng lọc, làm trong, khử sắt, làm giảm độ cứng, trước khi đưa nước vào sử dụng, người ta phải diệt các vi khuẩn còn lại trong nước. Tại vùng có lũ lụt, hay trong thời kỳ phòng chống dịch tiêu chảy cấp tính, việc diệt khuẩn nước càng cần thiết và phải làm triệt để.
Có nhiều cách diệt khuẩn nước; tốt nhất là đun sôi kỹ. Nước uống nên dùng nước đã đun sôi.
Có nhiều phương pháp diệt khuẩn, nhưng thông dụng nhất người ta dùng hóa chất khi cần diệt khuẩn với số lượng lớn nước dùng cho sinh hoạt .
Phổ biến nhất là cách sử dụng các hóa chuất sinh ra clo như: khí clo, các hợp chất của clo như nước javen, clorua vôi, cloramin B và cloramin T. Đây là phương pháp được dùng phổ biến ở hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các nước kinh tế phát triển. Diệt khuẩn nước bằng các hóa chất sinh ra clo bảo đảm nước được diệt khuẩn triệt để, nhanh chóng với số lượng lớn và rẻ tiền. Nhược điểm của phương pháp này làm cho nước có mùi clo. Cần chú ý là sau khi diệt khuẩn, phải còn lượng clo thừa ở trong nước tại hộ dân cư trên 0,5mg/ lít. Trong thời kỳ chống dịch, yêu cầu lượng clo thừa phải cao hơn, có thể tới 1mg/ lít nước.
Tại các trạm cấp nước lớn ở các thành phố người ta dùng khí clo, đã được nén dưới dạng clo lỏng, được đựng trong bình thép kín khí nén trong bình có khối lượng 500kg, được bộ điều chỉnh clo-ra-tơ đưa vào các bể nước để tiệt khuẩn nước máy. Bình khí rất độc nếu bị rò rỉ ra môi trường nên được bảo quản rất nghiêm ngặt.
Đối với một số trạm cấp nước nhỏ hơn, người ta dùng nước javen, được sản xuất tại chỗ bằng phương pháp điện phân dưới dòng điện một dung dịch muối ăn NaCl, không có màng ngăn.Cloramin B dưới dạng bột là hóa chất sinh ra clo, có thể đóng gói thành túi nhỏ hoặc dập thành viên 0,25g và đóng lọ để dễ vận chuyển. Những viên thuốc này được sử dụng để diệt khuẩn nước, cấp cho nhân dân vùng lũ lụt, hoặc trước kia trong kháng chiến được cấp cho các chiến sĩ để tự diệt khuẩn nước uống trong các bi đông trong khi hành quân dã ngoại không thể đun nấu.
Ngoài ra người ta còn dùng các phương pháp khác như:
– Dùng ôzôn (O3).
– Dùng tia tử ngoại: Tia tử ngoại có khả năng diệt khuẩn với bề dày của cột nước là 10cm và nước phải trong.
Xin nói rõ thêm về cách sử dụng Cloramin B đang được dùng là hóa chất diệt khuẩn nước hiện nay:
1. Phải tính được lượng hóa chất Cloramin cần thiết để tiệt khuẩn một mẫu trước.Tác dụng diệt khuẩn có được khi hòa tan Cloramin vào trong nước sẽ sinh ra khí clo. Người ta gọi là clo hoạt động. Các phản ứng xảy ra như sau:
Cl2 + H2O —> HOCl + HCl
HOCl —> H+ + OCl.
Axit hypô-clorơ (HOCl) và ion hypô-clorơ (OCl-) là những chất khí có tác dụng diệt khuẩn mạnh.
Tùy theo nơi sản xuất, cloramin B có lượng clo hoạt động từ 25% – 30%. Các viên Cloramin 0,250 do các Công ty dược phẩm Việt Nam sản xuất dùng để diệt khuẩn 25 lít nước.
2. Phải làm test Clor để tính lượng Cloramin B cần thiết để diệt khuẩn cho mẫu nước. Tùy theo nguồn nước mà cách sử dụng Cloramin dựa theo khối lượng khác nhau. Yêu cầu là sau 30 phút diệt khuẩn, lượng Clor trong nước vẫn có thừa tối thiểu là 0,5mg/ l (ngửi thấy có mùi hắc nhẹ).
Các xét nghiệm: định lượng clo hoạt động, làm test clo và định lượng clo thừa là các xét nghiệm dễ làm ở các địa phương.
Hóa chất Cloramin phải được bảo quản trong lọ kín, tránh ẩm và ánh sáng. Nếu không được bảo quản tốt, hàm lượng clo hoạt động trong hợp chất sẽ giảm dần.